Có dịp đến thôn Kin
Chu Phìn 1, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát vào những ngày đồng bào người Hà Nhì đen
nơi đây đón tết Ga Tho Tho, chúng tôi mới thấy được không khí nhộn nhịp của các
gia đình trong thôn chuẩn bị cho một cái tết lớn nhất trong năm. Tết đông Ga
Tho Tho của người người Hà Nhì đen Bát Xát được tổ chức vào ngày con rắn “sế
no” đầu tiên trong tháng 11 âm lịch hằng năm.
Năm nay người Hà Nhì đen Bát Xát
tổ chức đón tết Ga Tho Tho từ ngày 8-10/11 âm lịch, (11 - 13/2021). Đây là ngày
tết của cả cộng đồng người Hà Nhì, là dịp để con cháu chuẩn bị lễ vật tạ ơn tổ
tiên đã bảo vệ cho cả gia đình trong suốt một năm qua. Đối với cộng đồng, đây
cũng là khoảng thời gian nông nhàn nhất trong năm, khi mùa vụ đã thu hoạch
xong. Trong suốt 3 ngày Tết, dân bản đều nghỉ ngơi, vui chơi và đi thăm hỏi,
chúc nhau một năm mới phát tài, may mắn. Theo quan niệm của người Hà Nhì, khi tết
Ga Tho Tho đến, các lễ vật dâng cúng tổ tiên phải là những thứ do chính gia
đình mình làm được trong năm. Do vậy, rượu ủ, thịt lợn, nước gừng và bánh dầy
là những thứ quan trọng không thể thiếu trong các lễ cúng.
Lợn được chọn làm lễ
vật để dâng cúng tổ tiên trong tết đông là hết sức quan trọng, bởi nó đồng
nghĩa với việc làm ăn phát triển của gia đình trong năm. Đồng bào Hà Nhì đen
quan niệm, con lợn làm lễ phải do họ tự nuôi, được nhốt riêng trong chuồng và
không mang dịch bệnh. Lợn sau khi mổ, thịt được chia thành các phần khác nhau để
làm lễ trong 3 ngày tết và tim, gan là các bộ phận không thể thiếu.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm ngày tết
Một điều khác biệt trong
tết đông Ga Tho Tho của người Hà Nhì đen là họ không nấu xôi nếp để cúng mà dùng
bánh dầy để dâng lên tổ tiên. Gạo nếp dùng để làm bánh dầy phải là loại gạo do
họ tự trồng cấy, không đi mua hay đổi với ai. Do đó, mỗi gia đình người Hà Nhì
đều có các khu ruộng chuyên dùng để trồng lúa nếp. Theo truyền thống, người người
Hà Nhì đen họ không dùng rượu trắng để dâng cúng trên bàn thờ tổ tiên và các
nghi lễ thiêng của cộng đồng, mà họ phải dùng một loại rượu nếp ủ không qua
chưng cất theo tiếng Hà Nhì gọi là “dứ pè” mà ta thường gọi là “bia Hà Nhì” để
làm lễ. Khi chuẩn bị lễ vật, vợ của chủ nhà sẽ là người chuẩn bị và phụ giúp chủ
nhà.
Sau khi chuẩn bị xong
các lễ vật, chủ nhà mặc trang phục dân tộc truyền thống chuẩn bị làm lễ cúng.
Những thành viên khác trong gia đình cũng phải ăn mặc chỉnh tề, nam đầu đội khăn
hoặc mũ, phụ nữ thì mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình, đầu đội tóc giả.
Bộ đồ cúng của người Hà Nhì gồm: 3 chiếc bát, 1 đôi đũa, hai cái thớt và ống vầu
rượu.
Lễ cúng của người Hà
Nhì khá nhanh gọn, gần như không có lời cúng mà chỉ là những hành động chuẩn bị
lễ vật và dâng lễ vật, cúi lạy tổ tiên rồi sau đó thụ lộc. Bàn thờ tổ tiên của
người Hà Nhì đen nằm ở vị trí góc của ngôi nhà, phía trước có một sàn gỗ, bên
phía tay phải là bếp nấu chính của ngôi nhà và đây cũng là nơi đặt hòn đá thờ
“phu chu ma”. Theo quan niệm của người Hà Nhì đen, hòn đá thờ “phu chu ma” là vị
thần linh cai quản toàn bộ ngôi nhà. Nếu tổ tiên là đấng phù hộ sức khỏe cho
con người, thì hòn đá thờ là vị thần cai quản gia súc, gia cầm và sự yên ổn
trong toàn thể ngôi nhà. Do đó, khi thờ cúng tổ tiên trong tết đông Ga Tho Tho,
các gia đình đều chia lễ vật cho hòn đá thờ nhằm cảm tạ vị thần bếp đã bảo vệ
cho toàn thể ngôi nhà trong năm qua.
Sau khi thực hành nghi
lễ trước bàn thờ tổ tiên của con cháu được thực hiện xong, chủ nhà sẽ hạ mâm lễ
vật xuống. Đầu tiên là bát thịt, ông chủ nhà sẽ lấy đũa gắp một ít thịt đặt lên
hòn đá thiêng “phu chu ma”, sau đó tự ăn một miếng, còn lại gắp chia cho tất cả
các thành viên trong gia đình mỗi người một miếng nhỏ để ăn lấy may. Gia đình tổ
chức dâng lễ vật cúng tổ tiên xong, bày mâm mời anh em, bạn bè cùng ăn uống vui
vẻ mừng cho gia đình năm mới làm được nhiều thóc lúa, nuôi được nhiều lợn,
gà....
Thanh niên nam, nữ vui chơi ngày tết
Người Hà Nhì làm lễ
cúng trong cả 3 ngày tết, nhưng lễ cúng ngày cuối của tết đông các gia đình đều
làm vào buổi sáng sớm với ý nguyện tiễn tổ tiên về trời, phù hộ cho gia đình
con cháu luôn mạnh khỏe, làm ăn phát triển. Đó là ước muốn, là khát vọng của cả
cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen Bát Xát. Trong suốt thời gian nghỉ tết đông Ga Tho
Tho, người Hà Nhì đen thường tổ chức các trò chơi cho thanh niên và trẻ em như:
Nhảy que, bắn nỏ, hát giao duyên..... Đây cũng là dịp để thanh niên tìm hiểu
nhau, xây dựng hạnh phúc lứa đôi.
Có thể nói, tết đông
Ga Tho Tho là một nghi lễ truyền thống của người Hà Nhì đen Bát Xát nói riêng
và của cộng đồng người Hà Nhì nói chung. Ngày nay, tết đông đã có nhiều thay đổi
về quy mô tổ chức và sự ảnh hưởng trong cộng đồng của người Hà Nhì, bởi Tết
Nguyên đán theo người đa số đã trở nên quan trọng hơn, có nhiều hoạt động vui
chơi hơn. Nhưng xét ở góc độ tâm linh và bản sắc truyền thống của đồng bào người
Hà Nhì thì tết đông vẫn là một nghi lễ quan trọng, đánh dấu thời gian kết thúc
của một năm cũ và bắt đầu cho một năm mới. Để bảo tồn và phát huy những giá trị
văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Hà Nhì trên địa bàn, các cấp, các ngành và
cấp ủy chính quyền địa phương đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, lồng ghép
các nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hóa; đồng thời tích cực tuyên truyền cho
Nhân dân duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống để tạo thành các
sản phẩm văn hóa độc đáo.
Trao đổi về việc bảo
tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Hà Nhì, đồng
chí Lý Khánh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung cho biết: “Xã đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và huy động các nguồn lực lồng
ghép với các chương trình trong Nhân dân. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận
động Nhân dân duy trì, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp để tạo
thành các sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ cho phát triển du lịch trải nghiệm tại
địa phương trong tương lai”.
Trải qua bao đời, Tết
Ga Tho Tho, của người Hà Nhì vẫn được bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay. Đây
là một trong những nét đẹp văn hóa đang được chính quyền và người dân địa
phương gìn giữ, phát huy gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du
lịch đến với địa phương tham quan, trải nghiệm./.
Quang Phấn