Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030
CTTĐT - Chính phủ vừa
ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 06/5/2022 về thực hiện chính sách, pháp luật
về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số
giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ
2021 - 2030.
Tại Nghị quyết này,
Chính phủ đã ban hành một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ,
nâng cao chất lượng lập quy hoạch. Theo đó, Chính phủ cho phép các quy hoạch
theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ
sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời để bảo đảm tính đồng
bộ; quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê
duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có nội dung
chưa phù hợp thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn, bảo
đảm thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Chính phủ cũng cho
phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ lập,
thẩm định và phê duyệt trong năm 2022 đối với các quy hoạch cấp quốc gia mang
tính cấp thiết, tạo thuận lợi cho việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia
trong năm 2023.
Cùng với đó, cho phép
các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định
hoặc phê duyệt trước ngày 01/01/2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ
và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật
Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến
khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030
được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, lồng
ghép các nội dung liên quan để đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Một góc Khu đô thị trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Áp
dụng hình thức chỉ định thầu
Cho phép Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với
các gói thầu để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh
mà chưa lựa chọn được nhà thầu. Tuy nhiên, việc chỉ định thầu thực hiện theo
quy định của pháp luật về đấu thầu, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức chỉ định
thầu phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo tiến độ, chất lượng,
hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không áp dụng
hình thức chỉ định thầu hoặc áp dụng mà không lựa chọn được nhà thầu thì người
có thẩm quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu khác để lựa chọn nhà thầu
theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Chính phủ cũng cho
phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân
sách Nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch đô thị, quy hoạch
nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành mà chưa được bố trí vốn
và các quy hoạch được điều chỉnh tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết
này. Được phép huy động và sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa, bảo đảm tuân thủ
quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch của Luật
Quy hoạch.
Việc điều chỉnh quy
hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 trong
trường hợp quy hoạch thấp hơn được phê duyệt trước nhưng có nội dung chưa phù hợp
với quy hoạch cao hơn được thực hiện theo hướng không phải lập nhiệm vụ lập quy
hoạch và giảm bớt một số thủ tục về điều chỉnh quy hoạch.
Giao Chính phủ nghiên
cứu các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập, thẩm định, phê
duyệt quy hoạch đảm bảo độc lập, trên cơ sở tăng cường trách nhiệm cho các cấp,
rút gọn thủ tục hành chính, không gây phiền hà và phát sinh chi phí, phù hợp với
các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đồng thời, giao Chính phủ đánh giá tác động việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư
phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại
điểm d khoant 1 Điều 59 Luật Quy hoạch; nghiên cứu khôi phục lại các quy hoạch
sản phẩm cần thiết, mang tính chiến lược, đảm bảo không trái với cam kết quốc tế
mà Việt Nam đã ký kết.
Các
giải pháp trong dài hạn
Chính phủ sẽ tổng kết
việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch
đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, các Luật, Pháp lệnh có liên quan để kiến
nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về
công tác quy hoạch; tiếp tục rà soát, sửa đổi các Luật có liên quan đến quy hoạch,
đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi được sửa đổi, bổ sung.